Giới thiệu tổ Ngoại Ngữ

Tổ Ngoại Ngữ - Tâm huyết và niềm tin

Giới thiệu tổ Ngoại Ngữ

Tổ Ngoại Ngữ - Thpt Hòn Gai (2010-2011)
 Cũng như các môn học khác ở trường Trung học phổ thông (THPT) Hòn Gai, việc giảng dạy môn Tiếng Anh của chúng tôi cũng trải qua rất nhiểu gian khó.
Chúng tôi đã phải sử dụng sách giáo khoa (SGK) 3 năm, 7 năm, cải cách, phân ban, thí điểm rồi đến hiện nay là sách phân ban chuẩn và sách nâng cao. Nhìn lại chặng đường đã qua của tổ chuyên môn, chúng tôi thấy mình đã trưởng thành và vững vàng rất nhiều trong công tác giảng dạy.
Ngày đầu giảng dạy tại trường với cuốn SGK thí điểm 3 năm, chúng tôi đều cảm thấy rất khó truyền đạt cho học sinh của mình với lượng kiến thức ít ỏi trong sách mà các kỹ năng bị pha trộn không rõ ràng, khiến người dạy phải vừa dạy vừa thiết kế lại SGK sao cho phù hợp với sức học của học sinh.
Có một lần tôi nhận được một bức thư của một em học sinh từ nước ngoài gửi về, trong thư em có nói sang Australia em phải đi học lại từ đầu môn tiếng Anh (như lớp một của Việt Nam vậy). Em có tâm sự rằng mình đã rất vất vả đánh vật với môn này để có thể được nhận vào học chính thức tại trường THPT của họ. Thời gian học tiếng là một năm với số tiền học không nhỏ. Cuối thư em có nói một câu làm khiến tôi suy nghĩ: “Giá mà ở Việt Nam em được học nghe-nói-đọc-viết tiếng Anh tốt, em đã rút ngắn được thời gian du học, tiết kiệm được tiền cho cha mẹ”.
Ngày ấy chúng tôi lực bất tòng tâm, người giáo viên không có điều kiện được sáng tạo bởi sự trói buộc của SGK và phân phối chương trình , phương pháp dạy truyến thống không phù hợp và trở nên lạc hậu. Trong một lớp lượng học sinh quá đông, có lớp gần 60 học sinh. Chúng tôi quản được lớp đã thấy mệt, đã thế việc thi cử cũng có tác động lớn đối với học sinh, rất ít trường đại học tuyến sinh khối D (Toán-Văn-Anh ). Vì vậy cơ hội chọn trường để thi đại học của các em cũng rất ít.
Sau đó chúng tôi lại sử dụng sách 7 năm (Tiếng Anh 7 năm) cho những học sinh học tiếng Anh từ cấp Trung học cơ sở. Nhưng thật buồn SGK này tuy mới mà cũng rất cũ vì dành cho các trường phía nam và được xuất bản rất nhiều năm trước. Các bài đọc khô cứng, dài dòng, không có các kỹ năng để giúp học sinh nghe, nói, viết và giao tiếp trong môi trường thực tế. Học sinh học kém môn tiếng Anh từ cấp cơ sở. Chúng tôi đã trao đổi tìm biện pháp mà chẳng mấy hiệu quả. Những ngày đó chúng tôi thực sự khâm phục các cô trong tổ chuyên môn: cô giáo Lê Thị Mão, cô giáo Dương Thị Kim. Các cô vừa chuyển từ tiếng Nga sang tiếng Anh mà phải dạy một giáo trình khó đến thế mà vẫn chuyển tải hết kiến thức cho học sinh một cách tận tình. Các cô luôn luôn học hỏi để tìm ra phương pháp tốt nhất. Trong giảng dạy, cô Nguyễn Thị Luật, cô Nguyễn Thị Tú, thầy Nguyễn Đăng Phúc, cô Trần Thị Vân là tấm gương cho chúng tôi học tập vì sự tận tuỵ, trăn trở trước từng trang giáo án. Ở các thầy,cô chúng tôi học tập được tính kiên trì, tâm huyết với học trò. Trong những lúc cam go đó, không thể không nói đến cô Vũ Thị Mận, cô Lê Thị Nhài - các tổ trưởng đã đứng mũi chịu sào lãnh đạo tổ vượt qua khó khăn …
Khó khăn thế mà lớp trẻ lúc đó là cô Bùi Thị Hồng Vân, cô Trịnh Thị Hoà, thầy Phạm Ngọc Hà đều say sưa với học trò. Các thầy cô có rất nhiều sáng tạo, tự học hỏi để bắt tay vào luyện học sinh giỏi. Lúc đó có người đùa bảo chúng tôi là “Tay không bắt giặc”. Chúng tôi vẫn quyết tâm tạo ra một không khí học tập đổi mới trong nhà trường. Bước đầu giáo dục các em vể tầm quan trọng của môn tiếng Anh - đó là chìa khoá vàng để giao tiếp với các nước tiên tiến, để học tập, hội nhập, sau đó tạo hứng khởi cho các em bằng cách thay đổi phương pháp cũ. Đào tạo mũi nhọn tập trung vào các em trong đội tuyển để các các em đạt nhiểu giải, đội tuyển phải đỗ đại học 100%. Chúng tôi mạnh dạn đưa giáo trình của nước ngoài vào dạy đọc, viết cho đội tuyển. Để làm được việc này cũng rất dày công vì ngay chính bản thân chúng tôi cũng phải tự học để hiểu giáo trình của họ và truyền đạt lại cho học sinh của mình, phổ biến, chắt lọc kiến thức phù hợp với trình độ của các em, khơi gợi sự sáng tạo, tư duy cho các em.
Đội tuyển của chúng tôi luôn đem lại vinh dự và niềm tự hào cho trường, bao nhiêu năm qua các em đoạt rất nhiểu giải cấp tỉnh. Có năm 15 em dự thi, 13 em đoạt giải, chưa bao giờ đội tuyển tiếng Anh chịu để trắng bảng. Đó cũng là tâm huyết của cô Liên, cô Vân, cô Hoà, thầy Hà. Các thầy cô đã không tiếc công tiếc sức cho đội tuyển của mình.
Sau này tổ chuyên môn của chúng tôi được bổ sung một số các thầy cô giáo trẻ. Họ thực sự đem lại niềm vui mới cho tổ chuyên môn. Cô Vũ Thu Giang, cô Lê Thị Trà Thuý, cô Bùi Thị Hạnh, cô Nguyễn Thị Vân Anh, cô Phạm Thị Huệ Linh, cô Trần Ngọc Thường, cô Nguyễn Thị Ngọc Anh là những cô giáo đầy nhiệt huyết, chúng tôi có cảm giác gánh nặng trên vai được san sẻ. Chúng tôi có dịp được học hỏi từ những bài giảng điện tử đầu tiên của cô Hạnh, tiết giảng bằng giáo án điện tử đầu tiên đó đã mở ra một sự thay đổi mới . Chúng tôi còn thấy mình cần phải biết sử dụng Công nghệ thông tin vào giảng dạy để có những giờ học thật sinh động, hấp dẫn.
Các thầy cô trẻ cũng học được từ lớp các thầy cô dày kinh nghiệm nhiều phương pháp, kỹ năng khi đứng lớp. Cả tổ thực sự yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cả chuyên môn lẫn trong cuộc sống. Trong cuộc sống hàng ngày thầy Nguyễn Đăng Phúc, cô Phạm Thị Hồng là những người luôn chu đáo tận tình với các thành viên trong tổ những khi có việc hiếu, hỉ, ốm đau.
Bộ sách mới phân ban chuẩn – nâng cao đã tạo điều kiện rất nhiều cho giáo viên chúng tôi được dạy theo bốn kỹ năng cơ bản nghe – nói - đọc - viết. Chúng tôi được sáng tạo, thiết kế bài giảng cho phù hợp với học sinh của mình,  lấy học sinh là trung tâm. Các khoá học của hội đồng Anh của chương trình VTTN đã làm thực sự thay đổi việc giảng dạy tiếng Anh trong trường THPT. Đó thực sự là một luồng gió mới mát lành. Dạy theo phương pháp giao tiếp, các em học sinh của chúng tôi hào hứng đón nhận những giờ dạy hấp dẫn và sinh động. Các em thực sự được sáng tạo, được là trung tâm trong mỗi tiết học. Các hoạt động theo nhóm theo cặp giúp các em học sinh vốn nhút nhát trở nên tự tin và được chia sẻ.
Trước đây khi mới bước chân vào nghề tôi chỉ hiểu đơn giản nếu chúng tôi hết lòng tận tụy với học sinh, tự học tự bồi dưỡng chuyên môn là đủ. Qua các cuộc tập huấn, tôi mới nghiệm ra rằng không phải vô cớ mà trong các cuộc tập huấn họ hướng dẫn cho chúng tôi từ classroom language (ngôn ngữ trong lớp) đến clear instrustions (hướng dẫn rõ ràng), motivation (tạo hứng thú trong giờ học)….
Việc giảng dạy trong trường của chúng tôi ngày càng tốt đẹp vì chúng tôi được sự hỗ trợ của các phương tiện dạy học hiện đại. Nhà trường đã không tiếc công tiếc của để đầu tư thiết bị hiện đại nhất phục vụ giảng dạy và học tập, giờ dạy có hình ảnh, âm thanh hấp dẫn vô cùng…
Chúng tôi còn vui hơn khi nhận được những thông tin tốt đẹp từ phía các em học sinh của mình, tỉ lệ đỗ đại học của các lớp ban D rất cao. Rất nhiều học sinh của trường đã đỗ vào các trường đại học thuộc top đầu như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Đại học Bách khoa…những trường mà trước đây rất ít học sinh của trường thi đỗ. Người vui hơn chúng tôi là cha mẹ các em. Họ đã đặt trọn niềm tin vào các thầy cô, gửi gắm con em mình cho nhà trường và họ hạnh phúc khi con em mình thành đạt. Mới đây có một em học sinh – trong số các em đỗ Đại học với điểm số rất cao đã gọi điện thoại cho tôi và nói: “ Cô ạ, khi em viết bài luận văn bằng tiếng Anh, em được điểm cao thứ hai trong cuộc thi và được xếp vào lớp ngoại ngữ thứ 6 của trung tâm ngoại ngữ Australia (lớp thứ 7 là lớp cao nhất của trung tâm). Họ hỏi em đã học tại trung tâm của người nước ngoài nào mà bài viết tiếng Anh rất tốt. Em nói chưa từng học ở đâu chỉ học thầy cô em ở trường THPT  Hòn Gai thôi cô ạ..” Lời tâm sự của em học sinh làm tôi rất vui và nghĩ rằng chúng tôi đã góp một phần vào sự thành công của các em. Các em đã không phụ công dạy dỗ của mình.
Chặng đường ngần ấy năm chúng tôi đã cùng nhau đi qua, chúng tôi biết phía trước còn khó khăn, nhưng chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ vượt qua.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây