Tổ Sử Địa GDCD 50 năm một chặng đường

Tổ Sử Địa GDCD 50 năm một chặng đường

Tập thể tổ Sử địa GDCD trường THPT Hòn Gai năm 2010
Nhìn lại chặng đường 50 năm xây dựng và trưởng thành của tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân, chúng tôi rất tự hào với những thành tích mà tổ đã đạt được và biết ơn các thế hệ thầy cô giáo đã tạo dựng nên những truyền thống của tổ sau này.
Khi mới thành lập, tổ mang tên là tổ Xã hội (1959 - 1970), sau đổi thành tổ Sử - Địa – Chính trị (1971 – 1985), từ năm 1985 đến nay là: Tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân ( tổ ghép của 3 bộ môn: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Những thầy cô là lớp người đi trước đặt nền móng cho tổ: Cô Nguyễn Thị Thận, thầy Trần Quang Bàn, thầy Nguyễn Bá Quát, thầy Đặng Văn Luyến, thầy Nguyễn Đỗ Lục, thầy Nguyễn Kiên, cô Vi Thị Hải Ngọc. Tổ chính là một cái nôi cung cấp rất nhiều cán bộ cho tỉnh và ngành như: 
Cô giáo Nguyễn Thị Thận (Hiệu trưởng nhà trường từ năm 1959 đến năm 1961), thầy Trần Quang Bàn (Hiệu trưởng nhà trường từ năm 1961 đến năm 1962), thầy Hoàng Nga (Phó Hiệu trưởng nhà trường từ năm 1974 đến năm 1978), thầy Vũ Huy Tường (Phó Hiệu trưởng nhà trường từ 1976 đến 1988), thầy Nguyễn Kiên cán bộ Ban Tuyên Giáo tỉnh Quảng Ninh, cô Đào Thị Hảo (Phó Hiệu trưởng nhà trường từ 1980 đến năm 1985), cô Trịnh Thị Tính (Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Tỉnh Quảng Ninh), thầy Nguyễn Thanh Hiễn ( hiện là phó giám đốc Sở GD - ĐT Quảng Ninh), thầy Nguyễn Ngọc Lưu (phó hiệu trưởng trường THPT Vũ Văn Hiếu nay đã nghỉ hưu), cô giáo Nguyễn Thị Hoa ( Hiệu phó trường Chuyên Hạ Long), thầy Hà Duy Thành ( Phòng Tổ chức Cán bộ Sở GD - ĐT Quảng Ninh), thầy Nguyễn Minh Tân (hiện là chuyên viên của Sở GD - ĐT Quảng Ninh). Các thầy, các cô đã làm rạng rỡ cho tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân.
 Khi tôi mới về nhận công tác ở trường, tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân do cô Lê Thị Ninh làm tổ trưởng (1979 - 1986), sau là thầy Nguyễn Ngọc Lưu (1986 - 1990), cô Đỗ Thị Hồng (1994-1996), từ 1996 đến 2004 cô Ninh lại tiếp tục lãnh đạo tổ. Các thầy cô đã xây dựng được khối đoàn kết nhất trí, tinh thần cộng đồng trách nhiệm, thương yêu giúp đỡ nhau trong công việc cũng như trong cuộc sống. Các thầy cô có bề dày chuyên môn như: Cô Nguyễn Thị Sánh, cô Đỗ Thị Hồng, cô Lê Thị Ninh, thầy Nguyễn Ngọc Lưu, thầy Nguyễn Minh Tân,...luôn là những tấm gương tận tuỵ trong giảng dạy, có nhiều đóng góp trong việc xây dựng tổ đạt danh hiệu Tổ Lao Động Xã hội chủ nghĩa. Các thầy cô luôn là những tấm gương mẫu mực trong chuyên môn, có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy, nhiệt tình hướng dẫn cho thế hệ chúng tôi mỗi khi có giám định giáo viên giỏi các cấp; các thầy cô chính là những nòng cốt trong sinh hoạt Công đoàn của tổ, truyền đạt kinh nghiệm nuôi dạy con ngoan, nữ công gia chánh giỏi cho những giáo viên trẻ mới ra trường. Tổ đã có 3 thầy đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua (thầy Hoàng Nga, thầy Vũ Huy Tường, thầy Nguyễn Ngọc Lưu), 14 thầy cô đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi. Tổ 2 lần đạt danh hiệu Tổ Lao Động Xã hội chủ nghĩa.
 Trong thời kì đổi mới, nhất là những năm 1997 đến 2004, tổ đạt nhiều thành tích trong ôn luyện thi học sinh giỏi: Tổng số giải học sinh giỏi cấp Tỉnh trong 7 năm học đạt: 47 giải (môn Sử, Địa) và 6 giải học sinh giỏi cấp Quốc gia ( môn Lịch sử).
 Từ năm 2004 đến nay, cơ cấu tổ chức của tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân đã có nhiều thay đổi. Lớp người giàu kinh nghiệm giảng dạy đã lần lượt nghỉ hưu như: Cô Lê Thị Ninh, cô Nguyễn Thị Sánh, cô Vũ Thuý Quỳnh, cô Phạm Thị Luận; cô Lê Thị Bích chuyển công tác về nhà xuất bản ĐHSP Hà Nội; thầy Nguyễn Đức Quế chuyển công tác về trường Cao đẳng sư phạm Uông Bí. Tổ lại đón nhận một loạt các thầy cô mới: Cô Đặng Thị Hải, cô Đặng Thị Quyên (dạy địa); cô Phạm Hồng Hạnh, cô Vũ Bảo Yến (dạy sử); cô Nguyễn Quỳnh Trang, cô Phạm Lệ Quyên (dạy GDCD). Các cô giáo mới về tổ là những người yêu nghề, thành thạo công nghệ thông tin, có định hướng phấn đấu chuyên môn rõ rệt.
 Noi gương các thế hệ thầy cô đi trước, phát huy những truyền thống của tổ - một tổ đã đạt nhiều thành tích trong ôn luyện thi học sinh giỏi, trách nhiệm của chúng tôi phải duy trì được những thành tựu đó. Trước những yêu cầu đổi mới về phương pháp dạy học của ngành, đặc biệt trường xây dựng mô hình mới “ Cung ứng dịch vụ chất lượng giáo dục cao”, mỗi thành viên trong tổ từ chị cả như cô Phạm Hồng Cúc, đến em út của tổ Vũ Thị Bảo Yến, tất cả chúng tôi đều sử dụng thành thạo công nghệ thông tin phục vụ có hiệu quả cho giảng dạy. Nguyên tắc làm việc của tổ là: Dân chủ, bình đẳng, có tổ chức - kỷ luật. Với tâm huyết nghề nghiệp và tiếp thu những kinh nghiệm giảng dạy của các bậc tiền bối, tổ vẫn duy trì được thành tích ôn luyện thi học sinh giỏi. Từ năm 2004 - 2010: tổ đã có 53 em đạt giải học sinh giỏi cấp Tỉnh (môn lịch sử và môn địa lý); 3 em đạt giải học sinh giỏi cấp Quốc gia (môn lịch sử)
Tổ liên tục đạt danh hiệu tổ lao động xuất sắc, được Bộ Giáo dục, được Tỉnh, Sở giáo dục Quảng Ninh cấp giấy khen. Đặc biệt ngày 1-12-2009, tổ được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hạ Long tặng giấy khen: Tổ có thành tích tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
   Năm thập kỉ đã đi qua, tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân đã không ngừng trưởng thành cùng với sự đi lên của Nhà trường. Hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường THPT Hòn Gai, các thế hệ thầy cô giáo của tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân đều rất phấn khởi, tự hào vì những gì mình đã làm được cho sự nghiệp 50 năm nở hoa trồng người của Nhà trường. Chúng tôi sẽ tiếp tục tích luỹ nhiều hơn nữa những kinh nghiệm trong giảng dạy, xây dựng một đội ngũ vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất chính trị để xứng đáng là giáo viên trường THPT Hòn Gai.
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây